LỜI NÓI ĐẦU
1. Trong thời đại ngày nay, khi kinh tế ngày càng phát triển và các quốc gia trên thế giới ngày càng xích lại gần nhau thì văn hóa dân tộc ngày càng trở thành trung tâm của sự chú ý. Quan điểm mang tính chiến lược “Vǎn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” được hình thành tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa VII, năm 1993) đã được tái khẳng định nhiều lần trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ở cương vị Chủ tịch Hội đồng Ngữ học và Việt Nam học cho khối đại học ngoại ngữ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi được giao trách nhiệm xây dựng chương trình, sau đó là giáo trình môn học “Cơ sở văn hóa Việt Nam” cho nhóm ngành ngoại ngữ và bắt đầu giảng dạy thử nghiệm môn học này từ năm học 1990-1991, khởi đầu tại Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (từ 2006 là Trường Đại học Hà Nội). Đây là môn học nhằm cung cấp cho sinh viên nhóm ngành ngoại ngữ những tri thức cơ bản nhất về các đặc trưng cơ bản cùng những quy luật hình thành và phát triển của văn hóa Việt Nam. Với một số điều chỉnh nhỏ, chương trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành năm 1995 dùng chung cho cả khối ngành khoa học xã hội - nhân văn và tự chọn cho khối ngành khoa học tự nhiên - kỹ thuật. Cũng trong năm 1995, sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” (504 tr.) của tôi lần đầu tiên được Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chính thức xuất bản.
2. Xuất phát từ cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” năm 1995, tôi đã tiếp tục công việc theo hai hướng: Một mặt, mở rộng thành một chuyên khảo với tên gọi “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” do Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành lần đầu năm 1996 (672 tr.) và tái bản vào các năm 1997 (684 tr.), 2001, 2004 (836 tr.). Cuốn sách này đã được dịch ra tiếng Pháp xuất bản năm 2001 và tái bản vào các năm 2006, 2008. Bản dịch tiếng Trung đã được xuất bản tại Đài Loan năm 2019. Bản dịch tiếng Anh sau rất nhiều lần hiệu đính đã ra mắt vào tháng 12-2021. Mặt khác, sách “Cơ sở văn hóa Việt Nam” năm 1995 được rút gọn cho phù hợp với yêu cầu của giáo trình, giữ nguyên tên gọi “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, do Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1996 (380 tr.); Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1997 (283 tr.); NXB Giáo dục xuất bản trong các năm 1997, 1998, 1999 (334 tr.). Như vậy, “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” là hai cuốn có cùng cấu trúc, nhưng khác nhau về độ sâu trong trình bày và mục đích phục vụ; chúng có tác dụng bổ sung hỗ trợ cho nhau.
3. “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và sau đó là “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” đã khơi dậy sự quan tâm rất sôi nổi và rộng rãi của dư luận (Sách “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” ngay sau khi ra mắt vào tháng 7 năm 1996, liên tục trong vòng bốn tháng xuất hiện trong danh sách top 10 cuốn sách khảo cứu bán chạy nhất theo xếp hạng của FAHASA do báo “Tuổi trẻ Chủ nhật” công bố.). Khởi đầu là cuộc Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 05/3/1996 với sự tham gia của GS Trần Văn Giàu và nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội. Sau đó là nhiều bài đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài nước.
Trong những năm 2000 có cuộc Tọa đàm về cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” do Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 18/12/2010 với diễn giả chính là GS.TS Phan Hữu Dật – nhà dân tộc học hàng đầu, nguyên Chủ tịch Hội Dân tộc học Việt Nam (1998-2003). Gần đây, nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Trung cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Đại học Quốc gia Thành Công (National Cheng Kung University, NCKU, thành phố Đài Nam, Đài Loan) đã tổ chức hai cuộc tọa đàm tại Đại học Quốc gia Thành Công và tại thành phố Đài Bắc vào các ngày 25 và 27/12/2019 với sự tham gia của GS.TS Tưởng Vi Văn (蔣為文), Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc NCKU; GS.TS Tiêu Tân Hoàng (蕭新煌), Cố vấn Phủ Tổng thống Đài Loan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ Giao lưu Đài Loan - Châu Á; GS.TS Trịnh Bang Trấn (鄭邦鎮), nguyên Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Văn học Đài Loan; GS.TS Trần Văn Đoàn (陳文團), nguyên Trưởng khoa Triết học, Đại học Quốc gia Đài Loan; GS.TS Khang Bồi Đức (康培德), Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Đài Loan.
Ý kiến thảo luận thì nhiều và rất đa dạng, mỗi người đều đứng từ góc nhìn của mình, trong khi văn hóa là đối tượng liên ngành, ai cũng có thể góp bàn được. Tuy nhiên, có thể thấy hình thành hai luồng ý kiến khá rõ rệt.
Chiếm đa số là luồng ý kiến thiên về ủng hộ, công bố chính thức tại các hội thảo, tọa đàm và các tạp chí chuyên ngành của các nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa và quan hệ văn hóa Việt Nam - Trung Quốc, về Đông Nam Á học, dân tộc học… như GS Phạm Đức Dương (nhà nghiên cứu (NNC) Đông Nam Á học), GS Đinh Gia Khánh (NNC văn hóa dân gian), GS Phan Hữu Dật (NNC dân tộc học), GS Nguyễn Khắc Phi (NNC văn học Trung Quốc), GS Lương Duy Thứ (NNC văn học Trung Quốc), GS Nguyễn Tấn Đắc (NNC Đông Nam Á học), GS Vũ Ngọc Khánh (NNC văn hóa dân gian), GS Lê Thành Khôi (NNC lịch sử, Pháp), GS. Michel-Espagne (NNC Việt Nam học, Pháp) và các giáo sư Đài Loan vừa nhắc đến ở trên… Bên cạnh những góp ý sâu sắc, khoa học, chân tình, các học giả đã đánh giá cao tính hợp lý trong cách tiếp cận, tính hệ thống trong lập luận, tính nghiêm túc trong tinh thần khoa học, và bao trùm là tính mới cùng sự đóng góp của công trình.
Luồng ý kiến thứ hai thiên về phủ nhận của nhà thơ Trần Mạnh Hảo công bố trên Báo Văn nghệ (số 17-18 ngày 27/4 và 04/5/1996), nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh trên Báo Văn nghệ (số 37, tháng 7/1996), TS Nguyễn Văn Dương trên Tạp chí Văn Thành phố Hồ Chí Minh (tháng 5/1996), GS Liam C. Kelley (Lê Minh Khải) trên blog cá nhân. Bên cạnh những góp ý đúng mà chúng tôi đã trân trọng tiếp thu, các bài phê bình này chứa đựng một số nhận xét không thỏa đáng, phần là do hiểu lầm, do không cùng điểm xuất phát, do khác biệt về quan điểm và phương pháp nghiên cứu, do thiếu thông tin hoặc đọc không kỹ…
Với những ý kiến của ba tác giả đầu, chúng tôi đã thể hiện chính kiến của mình dưới dạng tổng hợp trong bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Công Bình đăng trên Báo Văn nghệ số 32 ra ngày 10/8/1996 nhan đề “Trò chuyện với tác giả “Cơ sở văn hóa Việt Nam””; bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Thuận Thiên đăng trên Báo Lao động số 190 (98) ra ngày 28/11/1998 nhan đề “Tương lai bản sắc văn hóa Việt Nam: Hài hòa thiên về dương tính...” và trong phần Phụ lục nhan đề “Đối thoại cùng bạn đọc” in trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” tái bản năm 2000, 2004 (tr. 597-616). Các đối thoại này được chia theo năm chủ đề: (1) Về khái niệm “văn hóa và cấu trúc văn hóa”; (2) Về hai loại hình văn hóa; (3) Về quan hệ văn hóa phương Bắc và phương Nam; (4) Về vấn đề âm dương ngũ hành; và (5) Về các vấn đề khác còn lại. Các bạn đọc quan tâm có thể tìm đọc những đối thoại này. Với những ý kiến của Liam C. Kelley, nhà nghiên cứu Hà Văn Thùy đã tham gia đóng góp hai bài trả lời trên khoahocnet.com (2017/05/12) và nhatbaovanhoa.com (2017/09/14). Trong sách này, chúng tôi cũng có phân tích về chỗ sai trong những ý kiến có liên quan của Lê Thành Khôi ở tr. 8 (§1.2.5 chương I) và tr. 34 (§2.3.2 chương I); của Liam Kelley ở tr. 37 (§2.3.2 chương I); của Huỳnh Công Bá và Nguyễn Xuân Kính ở tr. 38 (§3 chương I); của K.W. Taylor ở tr. 226 (§1.4.2 chương V); của Cao Tự Thanh ở tr. 293 (§3.2.2 chương VI).
Riêng về ý kiến của Trần Mạnh Hảo cho rằng chúng tôi “đạo văn” của Kim Định xin được nói rõ như sau: Ai cũng biết rằng mọi nhà khoa học đều phải “đứng trên vai của những người khổng lồ” (theo cách nói của Isaac Newton), tức là phải xuất phát từ tri thức mà những người đi trước đã tích lũy được. Vào thời điểm những năm 1990, để viết được “Cơ sở văn hóa Việt Nam” và “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, chúng tôi đã tham khảo hơn 400 tài liệu, trong đó có 10 đầu sách của Kim Định và dẫn nguồn từ Kim Định trong “Tìm về bản sắc…” ở hơn 10 chỗ. Dựa vào người đi trước thì tất sẽ có chỗ giống họ, có chỗ khác họ; có chỗ tiếp thu, có chỗ bổ sung.
Chỗ giống nhau cơ bản giữa Kim Định và tôi là chúng tôi đều cố gắng thoát ra khỏi căn bệnh “lấy Trung Hoa làm trung tâm”. Còn về sự khác nhau thì, với phương pháp “huyền sử”, quan điểm của Kim Định có thể quy về ba điều: (1) Viêm tộc [= Việt tộc] đã làm chủ nước Tàu trước Hoa tộc (Việt lý tố nguyên, 1970, tr. 52-53, 77); (2) Bởi thế nên “phải nói rằng Việt Nho bàng bạc trên khắp nước Tàu trước khi người Tàu xâm nhập” và, do vậy, Nho giáo trước thời Tần chính là Việt Nho mà Khổng Tử thuộc số những đại biểu cuối cùng (Tinh hoa ngũ điển, 1973, tr. 18, 9); (3) Do đó, tất cả các tư tưởng âm dương, ngũ hành, bát quái cũng như các sách kinh điển của Nho giáo đều thuộc về Viêm tộc cả. Trong khi đó thì ở các tác phẩm của mình, chúng tôi đã giới hạn rất rõ ràng khu vực cư trú của cư dân Nam-Á - Bách Việt (xem mục 2.2.2 Chương I của sách này), cũng như tách biệt rõ ràng những sản phẩm của văn hóa phương Bắc với phương Nam được thể hiện xuyên suốt hai cuốn sách (điều mà trong các tác phẩm của Kim Định không hề có); đồng thời chỉ ra sự giao lưu qua lại giữa chúng (xem Mục 1.2 trong phần Kết luận của sách này). Về đối lập Đông-Tây mà trước Kim Định đã có nhiều người nói đến, chúng tôi đã chính xác hóa chúng và tách ra một loại hình văn hóa thứ ba là loại hình văn hóa trung gian (xem mục 2.1 trong sách này).
Nhận xét về chỗ giống nhau và khác nhau giữa chúng tôi và Kim Định, ông Vũ Khánh Thành, nguyên là học trò của Kim Định, Giám đốc Hội An-Việt ở Anh quốc (một hội có mục đích nghiên cứu và phổ biến triết lý An vi của Kim Định), trong một bức thư gửi chúng tôi đề ngày 05/4/2000 đã viết: “Cụ Định do trực giác nhìn thấy cội nguồn văn hóa Việt. Anh, lớp người đến sau, chứng minh rõ ràng hơn. Cụ Định xoáy vào suy tư triết lý, anh đi vào khoa học thuyết minh. Cụ Định cho nổ bom thức tỉnh mọi người, anh bình tĩnh tìm cội nguồn trước sau”.
4. Giáo trình “Cơ sở văn hóa Việt Nam” này được biên soạn theo sát chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 1995. Theo đó, hệ thống văn hóa Việt Nam được xem xét một cách đồng đại theo ba thành tố “nhận thức - tổ chức - ứng xử”, nhưng trong mỗi thành tố lại chú trọng tới tính lịch đại của nó. Khởi đầu từ hệ tọa độ mà văn hóa Việt Nam được định vị (ở Mục 2 Chương I), ta thu được cái tinh thần là văn hóa nhận thức và văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng (các chương II-III-IV), để rồi cái tinh thần đó tác động vào đời sống vật chất (Chương V) và cách thức ứng xử với môi trường xã hội (Chương VI). Từ quá khứ, chúng ta đã đi dần đến hiện tại (giao lưu với phương Tây, Mục 5 của Chương VI), để rồi cuối cùng kết thúc bằng việc xem xét cuộc xung đột hệ giá trị giữa văn hóa cổ truyền với những yêu cầu của văn hóa hiện đại và sự chuyển đổi hệ giá trị đang diễn ra trước mắt.
5. Trong lần tái bản này, toàn bộ cuốn sách đã được xem lại và chỉnh sửa, bổ sung. Sự chỉnh sửa, bổ sung về nội dung tập trung nhiều nhất ở Chương I và Kết luận. Ở Chương I có những thay đổi khá cơ bản: (1) Cấu trúc của hệ thống văn hóa tuy vẫn giữ nguyên các tiểu hệ nhưng đã gom lại theo ba thành tố; (2) Hệ thống loại hình văn hóa được trình bày hiển ngôn thành ba loại hình; (3) Vận dụng những kết quả mới thu nhận được khi thực hiện đề tài “Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ” (2010-2012), không gian văn hóa Việt Nam được phân vùng chính xác hơn thành tám chứ không phải sáu vùng như trước; (4) Phần trình bày về nguồn gốc và mối quan hệ với Trung Hoa được viết gọn lại và cập nhật thêm những tài liệu mới; (5) Tiến trình văn hóa Việt Nam được cập nhật, bổ sung ở lớp văn hóa bản địa và điều chỉnh ở giai đoạn văn hóa hiện đại.
Ở phần Kết luận, những kết quả mới mà chúng tôi thu nhận được trong quá trình thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước nghiên cứu về hệ giá trị Việt Nam (2012-2015) đã giúp trình bày đầy đủ và rõ ràng hơn hệ thống các đặc trưng bản sắc của văn hóa Việt Nam truyền thống và sự biến động giá trị (với danh sách các phi giá trị phái sinh) trong giai đoạn hiện tại, cũng như hệ thống các giá trị định hướng cần xây dựng để phát triển bền vững trong thời hội nhập.
Ngoài ra, trong các chương khác cũng đều có sửa chữa, cập nhật. Ví dụ như ở Chương III thì Mục 1.7 (Làng Nam Bộ) được viết lại kỹ lưỡng hơn, Mục 3 (Tổ chức đô thị) được cập nhật. Ở Chương VI, trong Mục 2.3 bổ sung giới thiệu về các tôn giáo nội sinh như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo, hệ phái Khất sĩ…
5. Để có thể đáp ứng những nhu cầu đa dạng của các loại hình cơ sở đào tạo khác nhau (đại học và cao đẳng; trường/khoa khối khoa học xã hội và nhân văn hoặc khối khoa học và công nghệ); các chương trình đào tạo khác nhau (3 tín chỉ và 2 tín chỉ); các đối tượng khác nhau (giảng viên, sinh viên và người đọc quan tâm), các thông tin trong sách không rút gọn tối đa mà được phân chia một cách khá triệt để thành hai loại chính yếu và thứ yếu. Các thông tin chính yếu được in bằng kích thước chuẩn dành cho mọi đối tượng; các thông tin thứ yếu dành cho những sinh viên có nhu cầu mở rộng kiến thức được in nhỏ hơn bằng kiểu chữ Calibri với size nhỏ hơn (khi đọc để nắm nội dung cơ bản, có thể bỏ qua những đoạn này). Nếu trừ đi những phần thông tin thứ yếu thì thông tin chính yếu chỉ còn lại khoảng trên 250 trang. Để mở rộng kiến thức thêm nữa, ở cuối sách có giới thiệu một danh mục 10 tài liệu chọn lọc đọc thêm chọn lọc.
Để tiện cho việc sử dụng, ở cuối sách còn có danh sách câu hỏi cho từng chương và một số câu hỏi chung. Những câu hỏi chung này đòi hỏi nắm được nội dung ở mức cao và sự tổng hợp kiến thức. Đây chỉ là một số câu hỏi mang tính gợi ý; các thầy cô giáo có thể cụ thể hóa hoặc tiếp tục bổ sung thêm.
Về hình thức trình bày, nội dung sách tổ chức theo ba cấp: chương, mục (§) và tiểu mục. Trong mỗi tiểu mục, thông tin được chia thành các đoạn có đánh số đa cấp và in đậm (ví dụ: 1.2.3). Khi dẫn chéo, trong sách sử dụng cách dẫn gồm số chương ghi bằng số La Mã và ký hiệu mục cùng số mục, phân cách bằng dấu ngang nối (ví dụ: “IV-§3.1.2” đọc là “Mục 3.1.2 ở Chương IV”). Các tài liệu trích dẫn được ghi tại chú thích cuối trang (footnote) và đánh số theo từng chương. Tất cả các hình vẽ/ảnh, bảng biểu đều được đánh số xuyên suốt.
6. Trong quá trình hình thành, giáo trình này đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của Vụ Đào tạo Đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Hội đồng liên ngành Ngoại ngữ, của Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội) trong giai đoạn 1990-1992, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 1992-1996, và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ 1996 đến nay.
Trong quá trình biên soạn giáo trình này, chúng tôi đã nhận được sự góp ý, giúp đỡ của các học giả tiền bối như GS Phạm Đức Dương, GS Lương Duy Thứ, GS Nguyễn Tài Cẩn, GS Nguyễn Tấn Đắc, PGS Tạ Văn Thành, PGS Chu Xuân Diên, PGS Trần Thanh Đạm, GS Lý Chánh Trung, nhà nghiên cứu Minh Chi, cùng nhiều bậc đàn anh và các đồng nghiệp khác ở trong nước và nước ngoài. Trước khi ra mắt lần đầu tại Nhà xuất bản Giáo dục tháng 11/1997, sách được nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, GS Đinh Gia Khánh và chuyên gia văn học Trung Quốc, GS Nguyễn Khắc Phi đọc góp ý. Sau khi ra mắt, sách còn tiếp tục nhận được sự động viên và góp ý của GS Trần Văn Giàu, GS Vũ Khiêu, GS Phan Hữu Dật và nhiều học giả tiền bối khác…
Kính mong quý vị cùng tất cả những người đã góp ý phê bình, các thầy cô giáo và các thế hệ sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trong cả nước đã sử dụng giáo trình này đón nhận từ chúng tôi lòng biết ơn chân thành.
Cuối cùng, dù cố gắng đến mấy, sách chắc vẫn chưa tránh khỏi hết mọi sai sót. Kính mong quý thầy cô cùng các bạn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và quý vị độc giả tiếp tục góp ý, phê bình (theo địa chỉ: ngocthem@gmail.com) để cuốn sách ngày một hoàn thiện hơn.