Nhà triết học luôn luôn có tính thời đại không thể vượt qua. Thông qua việc chỉ ra mối liên hệ giữa thời đại của các nhà triết học với tư tưởng của họ để trao cho tư tưởng triết học tính cụ thể của lịch sử, đó là một phần quan trọng trong nghiên cứu lịch sử tư tưởng. Nhưng nếu như vì thế mà coi thường giá trị và ý nghĩa phổ biến của những suy tư triết học, thì tính cụ thể của lịch sử sẽ hoàn toàn trở thành một thứ di vật của quá khứ. Di vật của lịch sử nhiều lắm cũng chỉ có thể là tấm gương cho đương đại – một sự cảnh tỉnh hữu ích, chứ không thể trở thành một sức mạnh thực sự tạo nên thế giới tinh thần cho hôm nay. Nghiên cứu lịch sử triết học cần phải như thế nào mới có được tính đương đại, phải như thế nào mới có thể làm cho những vị tiên triết vĩ đại trở thành người sống cùng thời đại với chúng ta, theo tôi, đây là một vấn đề không thể lẩn tránh.
Cuốn sách nhỏ này chỉ là sự giải thích về hệ thống triết học của những nhà triết học có tính đại biểu của Trung Quốc cổ đại, chứ không phải là một tác phẩm về lịch sử triết học với ý nghĩa là một cuốn thông sử. Ở khía cạnh lựa chọn nhân vật đại biểu, chắc chắn sẽ có dấu ấn của sự hứng thú cá nhân. Chỉ ra vấn đề căn bản của mỗi một nhà triết học, trình bày dòng mạch và kết cấu triển khai tư tưởng của họ, làm rõ nội hàm những khái niệm trong tư tưởng của họ, cũng như những vấn đề cụ thể có liên quan, đó chính là những điều mà các chương của cuốn sách này gắng sức thực hiện. Tính căn nguyên của vấn đề, tính điển hình của con đường giải quyết vấn đề, và tính phổ biến của tư duy trong việc triển khai cụ thể khiến cho những tư tưởng đã trở thành “quá khứ” có thể giữ được sức sống vĩnh hằng. Tính cụ thể của tư tưởng đồng thời cũng có nghĩa là tính phổ biến. Thứ tư duy phổ biến được sinh ra một cách không hề dễ dàng, bằng phẳng từ trong những chi tiết lịch sử của thời đại luôn có thể khắc phục tính ngoại tại của lịch sử “khách quan”, đạt được những phẩm chất đương đại sống động. Mà chỉ có thông qua việc giải đọc một cách sâu sắc và kĩ lưỡng văn bản kinh điển, mới có khả năng tương ngộ với những tâm hồn vĩ đại trước đây, trên con đường tư tưởng.
Cuốn sách này là sự tổng kết có tính giai đoạn cho nhiều năm giảng dạy môn “Lịch sử triết học Trung Quốc” của tôi. Dựa trên bản chỉnh lý những bài giảng, những đoạn ghi âm trên lớp trong nhiều năm qua, thống nhất về phong cách hành văn và kết cấu luận giải, trình bày một cách sâu sắc và rõ ràng về những vấn đề then chốt, diễn tả rõ ràng về nội hàm của mỗi khái niệm, mệnh đề, khắc phục sự không rõ ràng và/ hoặc sự hàm hồ ở những mức độ khác nhau, đó chính là điều tôi luôn truy cầu từ trước đến nay, cũng là điều mà tôi luôn luôn tự giác quán triệt trong quá trình viết sách.
Trong quá trình hoàn thành cuốn sách này, việc chỉnh lý của học trò Đông Hân Nhiên đối với bản ghi âm những bài giảng mấy năm gần đây là sự hỗ trợ vô cùng to lớn dành cho tôi, nhân đây xin được đặc biệt gửi lời cảm tạ. Đồng thời, tôi cũng muốn cảm ơn sự ủng hộ của Quỹ Khải Phong đối với công việc của tôi. Với tôi, danh hiệu “học giả Khải Phong” vừa là một sự khích lệ, vừa là một áp lực để tôi cố gắng.
Bài giảng số 1. Tính và thiên đạo: Triết học của Khổng Tử
Bài giảng số 2. Lấy vô làm dụng: Triết học của Lão Tử
Bài giảng số 3. Tận tâm tri tính: Triết học của Mạnh Tử
Bài giảng số 4. Con đường đi đến tri thức chân thực: Triết học của Trang Tử
Bài giảng số 5. Biện luận về hữu và vô: Triết học của Vương Bật
Bài giảng số 6 . Lý của tự nhiên: Triết học của Kê Khang
Bài giảng số 7. Tính phận tự nhiên: Triết học của Quách Tượng
Bài giảng số 8 . Thái cực thành thể: Triết học của Chu Đôn Di
Bài giảng số 9. Dịch gồm thể dụng: Triết học của Thiệu Ung
Bài giảng số 10. Tự lập lý riêng: Triết học của Trình Hạo
Bài giảng số 11. Nhất vật lưỡng thể: Triết học của Trương Tái
Bài giảng số 12. Hình thượng định thể: Triết học của Trình Di
Bài giảng số 13. Lý khí động tĩnh: Triết học của Chu Tử
Bài giảng số 14. Tự làm chủ tể: Triết học của Lục Cửu Uyên
Bài giảng số 15. Tâm ngoại vô LÝ: Triết học của Vương Dương Minh