Lời nói đầu
Trong lời thoại của bộ phim nổi tiếng “The Paper chase” (Chạy theo tấm bằng) – một trong những bộ phim được bình chọn là phim truyền cảm hứng cho người theo đuổi nghề luật hay nhất thế giới đến nay - sản xuất vào năm 1973, một giáo sư luật học có tên Kingsfield trong phim đã tuyên bố trước các sinh viên năm thứ nhất của mình đại ý rằng: Tôi là giáo sư luật nhưng tôi không dạy luật. Luật thay đổi theo thời gian, theo không gian, nên quý vị phải tự dạy luật cho mình. Quý vị vào đây từ chỗ chưa biết gì, nếu nỗ lực và may mắn tốt nghiệp, điều quý giá nhất mà trường luật đã giúp cho quý vị đó là có thể tư duy như một luật sư (thinking like a lawyer).1 Khi Kingsfield đưa ra lập luận này, đối tượng mà ông hướng tới đó là các sinh viên luật, những người mà sau này sẽ trở thành những người hành nghề luật, là thẩm phán hay luật sư.
Tư duy pháp lý, nói như tác giả Frederick Schauer: “là tổng hợp của các hoạt động tư duy, lập luận và các phương pháp tranh luận của người hành nghề luật,2 hay theo cách giải thích của luật sư Nguyễn Ngọc Bích là cách thức suy nghĩ của những người hành nghề luật “để tìm ra giải pháp cho một vụ tranh chấp phù hợp với luật lệ”. 3 Ông ví von một cách hình tượng: “Vụ việc giống như cái xoong méo. Một khi bị giao cái xoong méo, bạn phải dùng Tư duy pháp lý gõ nó phẳng ra để có thể lấy lại cái nắp đậy. Cái xoong là vụ việc, cái nắp đậy là Luật điều chỉnh. Tư duy pháp lý giống như cái búa nhỏ bạn dùng để gõ xoong. Khi nắp úp vào xoong được là bạn giải quyết được vụ việc”.
Làm thế nào để có “Tư duy pháp lý”? Làm thế nào để hình thành khả năng phân tích, lập luận, trình bày cho người khác một cách thuyết phục khi xử lý một tình huống pháp lý phát sinh giống như luật sư? Đây là câu hỏi kích thích trí tò mò, một câu hỏi mà tất cả những sinh viên luật hay những người hành nghề luật đều mong muốn hiểu đúng và sở hữu được nó. Giáo trình mà quý vị đang cầm trên tay được biên soạn vì mục đích cơ bản là bước đầu góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi nêu trên bằng cách giới thiệu những tri thức, những hiểu biết một cách tương đối hệ thống về khoa học Tư duy pháp lý, đặc trưng của Tư duy pháp lý, các phương pháp Tư duy pháp lý, các quy luật tư duy, các kĩ thuật phân tích logíc quy phạm, kĩ thuật lựa chọn nguồn luật, kĩ thuật xử lý xung đột pháp luật, lỗ hổng pháp lý và phương pháp giải thích pháp luật trong quá trình áp dụng pháp luật, thực hiện pháp luật – những điều mà qua sự nhận thức, tiếp thu, thực hành thậm chí phản biện lại sẽ tạo nên “Tư duy pháp lý” của chính quý vị. Sinh viên luật là đối tượng trước tiên mà các tác giả giáo trình này hướng tới. Các luật sư, giảng viên luật hoặc những người đang hành nghề
luật và những ai quan tâm cũng có thể tìm thấy những thông tin bổ ích, những tri thức cần tìm kiếm trong giáo trình này. Do giới hạn về nguồn lực và thời gian, cuốn giáo trình này mới chỉ dừng lại ở một số vấn đề cơ bản nhất, có tính chất gợi mở về Tư duy pháp lý. Có lẽ, giáo trình không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Nhóm tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quý độc giả. Hi vọng giáo trình này đến được với bạn đọc sẽ là tài liệu học tập, tham khảo hữu ích, là nguồn cảm hứng khám phá về nghề luật