Lời nói đầu
Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kinh tế nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng đã tác động tới sự phát triển của pháp luật ngân hàng như những cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ của WTO và các FTA thế hệ mới đối với dịch vụ ngân hàng, tài chính, các chuẩn mực tối thiểu đối với việc quản lý và giám sát an toàn các ngân hàng và hệ thống ngân hàng của Ủy ban Basel, các chuẩn mực và nguyên tắc trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi (BHTG), xử lý nợ xấu ngân hàng, quản trị rủi ro tín dụng, các nguyên tắc quản trị, điều hành TCTD, các nguyên tắc thanh toán không dùng tiền mặt… Có thể nói, các vấn đề nêu trên tác động mạnh tới sự phát triển của pháp luật ngân hàng Việt Nam
Trong bối cảnh pháp luật ngân hàng ngày càng được hoàn thiện, tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế, Giáo trình Luật Ngân hàng được xuất bản không những làm rõ những vấn đề lý luận mà còn phân tích luật thực định và đánh giá thực tiễn thực thi pháp luật ngân hàng. Điều này giúp người học vừa có kiến thức lý luận, vừa có cái nhìn thực tiễn. Đặc biệt, các quy định của pháp luật một số nước trên thế giới – nơi có hệ thống ngân hàng, tài chính phát triển mạnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh, Liên bang Nga… được phân tích, qua đó cho thấy những nội dung có thể được tiếp nhận và hoàn thiện trong pháp luật ngân hàng ở Việt Nam.
Cấu trúc của giáo trình bao gồm 9 chương, đề cập tới pháp luật về Ngân hàng Trung ương, về các loại hình TCTD, về hoạt động chủ yếu của các tổ chức này và về tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Giáo trình là học
liệu cho sinh viên, giảng viên giảng dạy học phần Luật Ngân hàng trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật học và ngành Luật Kinh doanh của Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Mặc dù các tác giả đã hết sức cố gắng nhưng trong quá trình biên soạn, cuốn sách chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản sau.