Tâm lý học xuyên văn hóa: Cuộc tranh luận giữa tâm lý học văn hóa và tâm lý học xuyên văn hóa
02 Tháng Ba 2024

Cuốn sách Tâm lý học xuyên văn hóa phản ánh các ảnh hưởng khác nhau của văn hóa tới hành vi con người và các cuộc tranh luận giữa tâm lý học văn hóa và tâm lý học xuyên văn hóa. Các tác giả ủng hộ các cách tiếp cận bao quát để hiểu được cả các ý nghĩa sâu sắc, các đóng góp văn hóa đặc thù lẫn những gì là phổ quát đã được phát hiện trong các nghiên cứu so sánh. Sự phân chia giữa các xã hội theo xu hướng cộng đồng và xu hướng cá nhân cũng được xem xét để lý giải những khác biệt về giá trị và hành vi. Các nghiên cứu về Big Five (5 chiều cạnh nhân cách) đề xuất một cấu trúc nhân cách phổ quát mà các nền văn hóa có thể ghi lên đó những thông điệp độc đáo. Đồng thời, chúng ta cũng dành không gian cho những xem xét, nghiên cứu tâm lý bản địa vì các thiên lệch mang tính chất vị chủng tộc có thể hiện hữu khi các mô hình phương Tây được chuyển giao sang các xã hội theo xu hướng cộng đồng.

Các mối quan tâm về mặt lý luận vừa nêu được bàn luận trong suốt cuốn sách. Ví dụ, thế giới đang thay đổi được xem xét trong Chương 1, đặc biệt là mối quan hệ giữa tâm lý học xuyên văn hóa với sự tiến triển năng động, không ngừng về mặt văn hóa nói chung trên thế giới. Đặc biệt, bạn đọc được giới thiệu những khác biệt nổi bật giữa tâm lý học xuyên văn hóa so sánh và tâm lý học bản địa, sự tồn tại của các giá trị phổ quát và đặc thù, sự thiên lệch mang tính vị chủng tộc có thể tồn tại trong các nghiên cứu xuyên văn hóa.

Chương 2 được viết với mục đích cung cấp những công cụ thiết yếu đối với tư duy phê phán trong tâm lý học xuyên văn hóa, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của khái niệm tương đương (equivalence).

Nguồn gốc văn hóa được bàn luận ở Chương 3. Trong Chương 3 và các chương tiếp theo, cuốn sách trình bày cơ sở tiến hóa của những phát triển văn hóa và mô hình đồng tiến hóa (lưỡng di truyền) cho sự nối truyền văn hóa (cultural transmission).

Trong Chương 4 về phát triển con người, các nghiên cứu về xã hội hóa và hấp thụ văn hóa được đánh giá cùng với sự phát triển về nhận thức, đạo đức và tâm lý – xã hội. Đặc biệt, chúng tôi bàn luận rằng tối đa hóa sự thích ứng chính là động lực cơ bản của hành vi con người trong tất cả các hình thức của nó.

Một nét đặc trưng cơ bản và độc đáo trong tiến hóa của con người là ngôn ngữ và văn hóa – xã hội được bàn luận trong Chương 5. Các nghiên cứu hiện nay đang ủng hộ mô hình của Darwin giúp ta hiểu biết quá trình tiến triển giống như cây gia phả của ngôn ngữ và các tiến triển văn hóa xã hội khác.

Chương 6 được dành cho nhận thức mà người ta tin rằng được xuất phát từ cảm giác và tri giác. Chương này đánh giá độ hiệu lực của các phong cách tư duy, tư duy theo xu hướng cá nhân và cộng đồng cũng như sự khác biệt giữa nhận thức kiểu Hy Lạp và châu Á thể hiện trong quá trình tư duy logic và biện chứng.

Cảm xúc và hạnh phúc được đề cập trong Chương 7. Cơ sở tiến hóa sinh học và phổ quát của cuộc sống cảm xúc được các nghiên cứu chứng minh rõ ràng cho dù quy tắc biểu lộ cảm xúc có thể biến thiên theo các nền văn hóa. Chương này tranh luận mạnh mẽ, ủng hộ tâm lý tích cực về cảm xúc của con người và các chính sách xã hội tương thích.

Chương 8 tích hợp các cuộc bàn luận về cách tiếp cận phương Tây, phương Đông và bản địa đối với lý thuyết về nhân cách. Các cách tiếp cận lý luận chủ yếu được trình bày từ quan điểm về định hướng của mỗi lý thuyết cùng với các nghiên cứu chứng minh sự hiện hữu phổ biến của các nét nhân cách Big Five. Chương này cũng đánh giá đóng góp của các tư tưởng Phật giáo và Nho giáo đối với sự hiểu biết của chúng ta về nhân cách.

Chủ đề liên quan đến cái Tôi và ý niệm về bản thân được bàn luận trong Chương 9, đặc biệt từ góc độ văn hóa, xã hội và xuyên văn hóa. Chương này trình bày các nét cơ bản của cuộc thảo luận về cái gọi là vấn đề “khó” và “dễ” việc hiểu rõ về bản chất của “người nhận biết” hay còn gọi là “thức giả” (the Knower) vẫn là vấn đề cần giải quyết theo ý kiến của tác giả. Các lý thuyết cơ bản về phát triển cái Tôi cũng được bàn luận.

Chương 10 bàn về tác động của văn hóa đối với vấn đề giới. Mặc dù cuộc “cách mạng” nữ quyền đã thay đổi quan hệ về giới ở các nước phương Tây và một số khu vực khác trên thế giới nhưng ở nhiều nơi vẫn còn các khác biệt nổi bật trong sự đối xử với phụ nữ được hỗ trợ bởi các tư tưởng truyền thống. Bạo lực đối với phụ nữ có liên quan một cách vô lý với cách nhìn nhận truyền thống coi thường vai trò của phụ nữ trong xã hội.

Việc làm có ý nghĩa trung tâm đối với cuộc sống con người được bàn luận trong Chương 11. Tác động của toàn cầu hóa và các nghiên cứu quan trọng dựa trên hệ giá trị liên quan đến làm việc của Hofstede được trình bày. Sự khác biệt giữa các nền văn hóa theo xu hướng cá nhân và cộng đồng vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới hành vi liên quan đến làm việc.

Cuối cùng, Chương 12 bàn luận về mối quan hệ giữa văn hóa và sức khỏe. Sự bất công của những khác biệt về sức khỏe có liên quan trực tiếp với sự bất công về kinh tế – xã hội. Chương này cũng cung cấp một thảo luận về hành vi dị thường như nó được hiểu từ góc độ văn hóa và cách tiếp cận so sánh. Từ quan điểm về một nền tâm lý học tích cực, trạng thái khỏe mạnh về thể chất và tâm lý cần phải là mối quan tâm hàng đầu của tâm lý học văn hóa và tâm lý học xuyên văn hóa.

Như bạn đọc có thể thấy từ những lời giới thiệu trên đây, cuốn sách này khá toàn diện. Chủ đề tiến hóa được ủng hộ bởi cách nghiên cứu trong tất cả các lĩnh vực so sánh. Yếu tố sinh học và yếu tố văn hóa – xã hội luôn song hành và đồng tiến hóa. Cuốn sách này sẽ cung cấp cho các sinh viên tâm lý học, các nhà nghiên cứu trẻ nhiều công cụ để hiểu các phát triển văn hóa và ảnh hưởng của văn hóa tới hành vi con người trong xã hội và trên toàn cầu.

Để lại bình luận của bạn
*
*