“Điều tốt nhất trên thế giới là đọc sách.”
Tại sao đọc sách có thể có một tác động lớn như vậy đối với một người?
Đọc sách chính là xây dựng một nơi là điểm nương tựa tinh thần
Có một câu nói thế này: Khi bạn thấy mịt mù, hãy dồn hết 100% sức lực làm việc gì đó. Mà việc tốt nhất đó chính là đọc sách.
Trong phim hoạt hình The Fantastic Flying Book of Mr. Morris Lessmore, cơn cuồng phong xuất hiện cắn nuốt cả quê hương của Morris, phá hủy thế giới ông. Nhìn cảnh đổ nát, Morris không biết phải làm gì. Cuộc sống của ông chỉ còn hai màu đen trắng.
Đúng lúc này, một cô gái được kéo lơ lửng trên bầu trời bằng những cuốn sách, cô gửi lại cho ông một cuốn sách trước khi bay đi. Cuốn sách dẫn ông đến một thư viện thần kì nơi những cuốn sách có sự sống và ông trở thành chủ nhân và người chăm sóc cho những cuốn sách ấy. Kể từ đó, Morris bắt đầu sống với sách, ông phơi sách, sửa sách… Dần dần cuộc sống có màu sắc, ý nghĩa và mục đích hơn.
Tại sao trẻ em cần đọc sách? Bộ phim hoạt hình này đã đưa ra câu trả lời: sách mang lại dũng khí và hy vọng cho chúng ta và sách có thể soi sáng màn sương mù sâu thẳm trong tâm hồn.
Somerset Maugham đã nói: “Trau dồi thói quen đọc sách là xây dựng cho mình một nơi ẩn náu khỏi hầu hết mọi đau đớn và bất hạnh trên thế giới”.
Đọc sách, để bạn nhìn thấy một thế giới rộng lớn hơn
Sách cho phép trải nghiệm của con người vượt qua giới hạn của không gian và thời gian, đọc một cuốn sách thực ra cũng giống như là chúng ta đang tham gia một chuyến du lịch.
Sự phức tạp và đa dạng của thế giới chỉ có đọc sách mới có thể mang lại cho trẻ, để trẻ học hỏi xuyên thời gian và không gian.
Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Dương Giáng từng viết trong “Tôi nghĩ đọc sách cũng giống như việc “ẩn thân” mà thăm ai đó. Nếu bạn muốn gặp một người thầy mà bạn ngưỡng mộ hay đến thăm một học giả nổi tiếng, bạn không cần phải xin phép, cũng không cần lo làm phiền chủ nhà, bạn có thể đến đó thường xuyên, mọi lúc, bạn có thể rời đi mà không nói lời chào…Mở sách ra là gõ cửa, lật vài trang là vào phòng…”
Đọc sách phá vỡ mọi rào cản và chúng ta có thể đi đến khắp nơi trên thế giới.
Một đứa trẻ thích đọc sách sẽ là một đứa trẻ có tâm hồn rộng lớn.
Đọc sách để duy trì khả năng tập trung vào những thông tin rời rạc
Xã hội hiện đại được gọi là thời đại của thông tin, quan niệm về đọc sách cũng đang thay đổi.
Trước đây, khi chúng ta nói về đọc có nghĩa là đọc trên giấy, nhưng giờ đây đọc kỹ thuật số, tức là sử dụng màn hình làm phương tiện đã trở thành một xu hướng, mang đến cho chúng ta trải nghiệm giác quan phong phú hơn.
Hàng ngày, chúng ta tiếp nhận một lượng lớn thông tin rời rạc qua màn hình điện tử. Các phần mềm xã hội và nền tảng video ngắn khác nhau có lượng thông tin cực kỳ lớn. Tuy nhiên, nhược điểm là không đưa ra các nội dung đầy đủ, hệ thống và chuyên sâu.
Cả người lớn và trẻ em đều quen với việc thu thập thông tin trong một khoảng thời gian ngắn, dẫn đến bỏ qua tư duy độc lập.
Đặc biệt là trẻ em, những người đã quen với việc xem những nội dung không cần suy nghĩ, quen theo đuổi sự kích thích giác quan từ đó hình thành quán tính đọc.
Biểu hiện rõ nhất là khi đọc một bài báo hay một cuốn sách dài, trẻ sẽ mất kiên nhẫn, khó tập trung đọc hết một cuốn sách, sự chú ý dần bị phân tán, não trẻ không còn khả năng tiếp thu những bài dài, sâu.
Khi đọc sách, trẻ sẽ loại bỏ sự can thiệp từ bên ngoài và tập trung toàn bộ sự chú ý vào bên trong, quá trình này nhằm củng cố và nâng cao khả năng tập trung của trẻ.
Một trong những cách tốt nhất để phát triển ngôn ngữ của trẻ là đọc sách
Trong cuộc sống, không khó để nhận thấy những đứa trẻ có thói quen đọc sách đều có khả năng ngôn ngữ vững vàng.
Lấy sách tranh làm ví dụ, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ thường xuyên đọc sách tranh có khả năng diễn đạt ngôn ngữ tốt hơn những đứa trẻ không bắt đầu đọc sách tranh.
Tuy sách tranh cho trẻ đọc không nhiều chữ nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy sách thiếu nhi cực kỳ tốt trong việc lựa chọn từ ngữ, câu văn mạch lạch, có nhịp điệu. Thông qua ngôn ngữ trong sách, khả năng tư duy của trẻ được cải thiện, khả năng diễn đạt ngôn ngữ cũng theo đó mà phát triển tự nhiên .
Đọc sách là một thói quen tốt và thói quen này cần được trau dồi từ thời thơ ấu.
Đọc sách chính là món quà quý giá mà trẻ có thể sử dụng suốt đời.