Nợ xấu trong nền kinh tế hiện nay là vấn đề nan giải, đặc biệt nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng gây tác động mạnh tới sự phát triển của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Lịch sử các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến phá sản ngân hàng và khủng hoảng tài chính là nợ xấu ngân hàng tăng cao, dẫn đến tình trạng ngân hàng mất khả năng thanh toán. Vì vậy vấn đề đặt ra là cần bảo vệ quyền lợi của ngân hàng như thế nào khi phát sinh các khoản nợ xấu. Có thể thấy, mỗi quốc gia đều có các cách thức, biện pháp xử lý các khoản nợ xấu ngân hàng khác nhau, tùy thuộc vào đặc trưng của hệ thống tín dụng và hệ thống ngân hàng của quốc gia đó cũng như các điều kiện kinh tế, xã hội. Trên thực tế, các mô hình xử lý nợ xấu tập trung hoặc phi tập trung hoặc mô hình xử lý nợ xấu hỗn hợp đã và đang được áp dụng trên thế giới. Mỗi mô hình đều có những ưu điểm cũng như những hạn chế, điều quan trọng là phải xác định được các điều kiện phù hợp để áp dụng mô hình xử lý nợ xấu tương ứng và phát huy tối đa những ưu điểm, hạn chế tới mức thấp nhất những “mặt trái” của nó.
Từ thực tê trên, cuốn sách Nợ xấu và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của ngân hàng thương mại cho vay ở Việt Nam với mong muốn giới thiệu về những vấn đề liên quan đến nợ xấu, các biện pháp xử lý nợ xấu và bảo vệ quyền lợi của chủ nợ là ngân hàng thương mại cho vay dưới khía cạnh pháp ý. Đồng thời cuôn sách cũng phân tích pháp luật của các nước có hệ thống ngân hàng phát triển và hoạt động xử lý nợ xấu hiệu quả để làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, một số kết luận, nhận định trong cuốn sách này dựa vào kết quả khảo sát trực tuyến được thực hiện vào tháng 03/2020. Nội dung khảo sát về vấn đề xử lý tài sản bảo đảm và bảo vệ quyền lợi của ngân hàng trong xử lý nợ xấu. Đối tượng khảo sát là các luật sư, thâm phán, cán bộ tòa án, cán bộ ngân hàng, chuyên viên xử lý nợ xấu trong các công ty mua, bán nợ, nghiên cứu viên, giảng viên giảng dạy luật kinh tế, học viên cao học luật kinh tế ở các trường đại học.