Bàn về cách dạy - học nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018
02 Tháng Tư 2024

Ngày 31/3/2024, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN tổ chức Hội thảo “Dạy - học nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018”.

Hội thảo thu hút sự tham gia của gần 5.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thuộc 46 tỉnh/thành phố, đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo, Sở Giáo dục & Đào tạo các tỉnh/thành phố và các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Từ năm học 2020 - 2021, cả nước bắt đầu triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Mục tiêu của chương trình là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hòa các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, nhờ đó có được cuộc sống có ý nghĩa và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước và nhân loại.

Tại hội thảo, 05 báo cáo xoay quanh phương pháp giảng dạy môn ngoại ngữ, thực trạng và giải pháp thực hiện thành công đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông lần lượt được trình bày.

Trên cơ sở nghiên cứu cấu trúc bài thi tốt nghiệp, bài thi đánh giá năng lực Ngoại ngữ riêng của một số trường đại học và phương án tuyển sinh của các trường đại học hiện nay, TS. Nguyễn Thị Chi và NCS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Trung tâm Khảo thí, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQGHN đã xây dựng và trình bày báo cáo “Hướng tới tuyển sinh từ năm 2025: Kiểm tra đánh giá Ngoại ngữ có gì khác?”. Báo cáo đã có sự so sánh khách quan và đưa ra dự báo về các phương thức tuyển sinh sẽ tương đối ổn định vào năm 2025. Bên cạnh đó, căn cứ vào đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 và năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, các diễn giả cũng chỉ ra những điểm khác biệt về bài thi kiểm tra đánh giá Ngoại ngữ năm 2025, gợi ý một số giải pháp hữu ích nhằm đáp ứng sự đổi mới trong bài thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và đưa ra những dự đoán có cơ sở về định dạng bài thi đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ của các trường đại học năm 2025.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền - Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN trình bày báo cáo với tiêu đề “Hướng dẫn xây dựng ngân hàng câu hỏi đánh giá định kỳ môn Ngữ văn cấp THPT” đã giới thiệu khái niệm ngân hàng câu hỏi đánh giá định kỳ môn Ngữ văn, các loại câu hỏi đánh giá định kỳ môn Ngữ văn cấp THPT. Đặc biệt, báo cáo đã chỉ ra quy trình xây dựng và sử dụng ngân hàng câu hỏi đánh giá định kỳ môn Ngữ văn cấp THPT đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Điểm đặc biệt cần chú ý trong suốt quá trình đánh giá bài Ngữ văn nằm ở mức độ rõ ràng về mặt nội dung, định lượng… Ngoài ra, theo PGS.TS Phạm Thị Thu Hiền, đề thi cần đánh giá được phẩm chất, kỹ năng và năng lực của người học.

Chỉ ra những điểm quan trọng cần lưu ý cho giáo viên nói chung và các trường THPT khi tổ chức dạy học môn Toán, TS. Nguyễn Văn Thành - Trường THPT chuyên Ngoại ngữ cho rằng, đổi mới phương pháp dạy học không chỉ cung cấp cho người học kiến thức và kĩ năng mà còn chú trọng đến có thái độ và hứng thú của người học với việc học Toán. Để làm rõ quan điểm này, diễn giả đi từ việc xác định các năng lực học sinh cần có trong thế kỷ 21 nói chung và các năng lực Toán học đặc thù cần phát triển ở học sinh phổ thông nói riêng, đến việc giới thiệu các kỹ thuật tổ chức hoạt động cho học sinh, ứng dụng bộ công cụ đánh giá hoạt động học tập theo hướng tiếp cận năng lực.

AI - Trí tuệ nhân tạo là một trong những phát kiến lớn của nhân loại. Không nằm ngoài sự phát triển của xã hội, nền giáo dục cũng không ngừng giao lưu và thúc đẩy trí tuệ nhân tạo kết hợp trong giảng dạy. Thông qua báo cáo “Trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy và kiểm tra đánh giá”, các báo cáo viên Khoa Anh Việt, Nguyễn Thị Lan Hường và Khương Quỳnh Nga đã giới thiệu về khái niệm, những điểm mới và tính độc đáo của áp dụng AI vào giáo dục. Từ đó, nhà giáo dục có thể ứng dụng sáng tạo, tiết kiệm thời gian, tạo ra nhiều ý tưởng đổi mới và nâng cao cảm hứng hơn trong việc dạy và học. Trên cơ sở thực tiễn của Trường ĐH Ngoại ngữ trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy và kiểm tra đánh giá, các báo cáo viên cũng chia sẻ những công cụ và kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến các thầy cô giáo trên cả nước nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu đổi mới giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Với tiêu đề “Thiết kế và triển khai các hoạt động học tập trải nghiệm góp phần phát triển năng lực toàn diện người học: Kinh nghiệm từ Trường THPT chuyên Ngoại ngữ”, phần trình bày của hai báo cáo viên Lại Thị Phương Thảo và Phạm Thị Thanh Tú đã gợi mở các hướng đi cụ thể dựa trên kinh nghiệm của ngôi trường THPT chuyên giàu truyền thống này. Với mục tiêu đào tạo những công dân toàn cầu trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế mạnh mẽ, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ xác định rõ tầm quan trọng của việc định hướng, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất bên cạnh việc cung cấp kiến thức cho học sinh. Chính vì lẽ đó, ngày 29/12/2017, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ đã ký Quyết định số 2728 /QĐ-ĐHNN ban hành Khung phẩm chất và năng lực học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (còn gọi là Chân dung của học sinh THPT chuyên Ngoại ngữ) với 7 phẩm chất và 10 năng lực phù hợp với yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Các phẩm chất và năng lực này được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động giáo dục của Nhà trường, kể cả các hoạt động trong và ngoài lớp học. Với bước đi đổi mới, sáng tạo và năng động trong thiết kế cũng như triển khai hoạt động kết hợp học tập và hoạt động ngoại khoá phù hợp, học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đã được phát huy mọi kỹ năng và trên mọi phương diện.

Với những báo cáo mang nội dung thực tiễn cao gắn liền với các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển kỹ năng của học sinh, hội thảo là diễn đàn bổ ích để chia sẻ và thảo luận về những vấn đề hiện hữu quan trọng của nền giáo dục. Hội thảo cũng đem đến nhiều góc nhìn mới về các vấn đề trong giáo dục phổ thông, từ đó giáo viên có thể tìm kiếm những phương thức tiếp cận mới cần cải thiện trong chương trình giảng dạy.

Nguồn:  Ngọc Thủy - VNU Media

Để lại bình luận của bạn
*
*